Skip to main content

Hội thảo trình diễn ứng dụng máy gieo sạ cụm để giảm lượng giống gieo sạ tại xã Bình Mỹ

 Chiều ngày 23/12, tại hộ ông Lý Quang Nghị (thuộc ấp Bình Thành), Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú phối hợp Công ty Bayer Việt Nam, Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Sài gòn Kim Hồng và Lúa giống Vinarice tổ chức Hội thảo trình diễn ứng dụng máy gieo sạ cụm để giảm lượng giống gieo sạ và kết hợp bón phân vùi.

Đến dự có ông Lê Quốc Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú; ông Huỳnh Văn Hiếu - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện; ông Nguyễn Huy Cường - Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ; cùng hơn 40 nông dân trên địa bàn.

Tại buổi trình diễn, các đại biểu và nông dân được xem trình diễn về máy gieo sạ cụm - giảm lượng giống gieo sạ tại hộ nông dân Lý Quang Nghị, với diện tích 1,2ha. Sau trình diễn, các đại biểu được nghe báo cáo kết quả ứng dụng thiết bị gieo sạ cụm trong thời gian qua. Cụ thể, sử dụng máy sạ lúa theo cụm, ngoài góp phần giảm lượng giống gieo sạ, thì còn giảm lượng phân bón, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật; nâng cao chất lượng lúa gạo do hạt mẩy hơn, sáng hơn, sạch hơn, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn; mặt khác, máy sạ cụm còn có năng suất làm việc cao hơn nhiều so với phương pháp gieo sạ truyền thống, giúp đẩy nhanh tiến độ xuống giống tập trung;.. Qua đó, các đại biểu và nông dân đã trao đổi, thảo luận các nội dung như: trao đổi về kỹ thuật điều hành máy và hướng dẫn lắp hệ thống đo mực nước, lượng giống sử dụng, khoảng cách hàng, số hàng gieo, đồng thời còn trao đổi về kỹ thuật canh tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm,...Đại diện các công ty, doanh nghiệp tham dự hội thảo đã chia sẽ và giải đáp thỏa đáng các vấn đề vướn mắc của nông dân.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: "Với mục tiêu cuối cùng là chuyển giao công nghệ, giúp nông dân đạt nâng suất cao. Vì vậy, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đồng bộ, sử dụng máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến và canh tác lúa thông minh, giảm phát thải, đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình có hiệu quả, hướng đến sản xuất xanh, sản xuất bền vững, thực hiện vùng lúa chất lượng cao..."    

Qua buổi hội thảo nhằm triển khai có hiệu quả mô hình trình diễn giảm lượng giống gieo sạ và tạo điều kiện để các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân tiếp cận thông tin, tiến bộ kỹ thuật về ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ phục vụ Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".